Hạch toán chiết khấu thương mại
Đối với các doanh nghiệp thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa được diễn ra một cách thường xuyên, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nghiệp vụ chiết khấu trong đó thường gặp nhất là chiết khấu thương mại. Vậy chiết khấu thương mại là gì? Cách hạch toán chiết khấu thương mại như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Dân Tài Chính nhé.
1. Chiết khấu thương mại là gì?
Chiết khấu thương mại là khoản tiền mà khách hàng được doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết khi mua hàng hóa, dịch vụ với khối lượng lớn, được ghi là khoản chiết khấu thương mại trên hợp đồng kinh tế.
Các hình thức chiết khấu thương mại:
- Chiết khấu thương mại theo mỗi lần mua hàng (Hàng bán được giảm giá ngay trong lần mua đầu tiên).
- Chiết khấu thương mại sau nhiều lần mua hàng (Khối lượng mua hàng đạt được tiêu chuẩn để được hưởng chiết khấu thương mại).
- Chiết khấu thương mại sau các chương trình khuyến mãi (Chiết khấu thương mại được hưởng trong kỳ được tính sau khi xuất hóa đơn bán hàng).
2. Cách hạch toán chiết khấu thương mại
Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
Tài khoản được sử dụng để hạch toán khoản chiết khấu thương mại là TK 5211. Kế toán sử dụng tài khoản này để phản ánh khoản chiết khấu mà doanh nghiệp đã giảm trừ, hoặc thanh toán cho người mua hàng hóa dịch vụ với số lượng lớn được ghi rõ trong hợp đồng mua bán.
a. Trong trường hợp người mua hàng với số lượng lớn được hưởng chiết khấu thương mại, chiết khấu thương mại đã được trừ trước khi viết lên hóa đơn nên không được ghi vào TK 521, doanh thu bán hàng được phản ánh theo giá trên hóa đơn bán hàng đã trừ chiết khấu thương mại.
Bên bán
Nợ TK 111, 112, 131: Tổng số tiền trên hóa đơn
Có TK 511: Doanh thu bán hàng
Có TK 3331: Thuế GTGT
Bên mua:
Nợ TK 156: Tổng số tiền
Nợ TK 1331: Thuế GTGT
Có TK 111, 112, 131: Tổng số tiền ghi trên hóa đơn
b. Trường hợp sau nhiều lần mua mới đạt được khối lượng hàng được hưởng chiết khấu thương mại thì khoản chiết khấu này được ghi giảm trực tiếp vào giá bán trên hóa đơn bán hàng sau cùng hoặc hóa đơn GTGT
Khi chiết khấu thương mại nhỏ hơn số tiền bán hàng ghi trên hóa đơn lần cuối cùng thì trừ trực tiếp trên hóa đơn, còn nếu lớn hơn số tiền bán hàng được ghi trên hóa đơn lần cuối cùng thì phải thanh toán tiền chiết khấu thương mại cho người mua. Bên bán lập chứng từ chi (không lập hóa đơn) để ghi nhận chi phí và được hạch toán vào TK 521; bên mua lập chứng từ thu để ghi nhận thu nhập khác.
Bên Bán :
Phản ánh số chiết khấu thương mại phát sinh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 521 : CKTM
Nợ TK 3331: thuế GTGT phải nộp
Có TK 131: Tổng số tiền chiết khấu.
Phản ánh doanh thu
Nợ TK 131: Tổng số tiền chưa trừ chiết khấu.
Có TK 511: Doanh thu chưa chiết khấu.
Có TK 3331: Thuế GTGT phải nộp theo doanh thu chưa bao gồm chiết khấu.
Khi nhận được số tiền trên hóa đơn kế toán hạch toán:
Nợ 111, 112: Tổng số tiền đã được trừ chiết khấu
Có 131: Tổng số tiền đã trừ chiết khấu
Bên Mua:
Nợ TK 156: Giá đã được trừ đi chiết khấu
Nợ TK 1331: Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 111,112,331: Tổng thanh toán đã trừ đi chiết khấu thương mại
Ví dụ:
Công ty Dân Tài Chính kinh doanh bàn ghế máy tính (giá chưa thuế 2.000.000đ/bộ, thuế GTGT 10%) có chương trình khi mua từ 15 bộ trở lên sẽ được chiết khấu giảm 10% trên giá trị đơn hàng
Ngày 1/1/2021, công ty A mua 10 bộ bàn ghế máy tính của công ty Dân Tài Chính, đã thanh toán bằng chuyển khoản.
Công ty Dân Tài Chính hạch toán:
Nợ 112: 22.000.000
Có 511: 20.000.000
Có 3331: 2.000.000
Công ty A hạch toán
Nợ 156: 20.000.000
Nợ 1331: 2.000.000
Có 112: 22.000.000
Ngày 15/1/2021, công ty A tiếp tục mua 5 bộ bàn ghế nữa và đủ điều kiện để có thể hưởng chiết khấu thương mại theo hợp đồng chưa thanh toán, giá chưa thuế 2.000.000đ/bộ, thuế GTGT 10%, chiết khấu thương mại 10%
Công ty Dân Tài Chính hạch toán:
Phản ánh chiết khấu thương mại vào TK 521
Nợ TK 521 : 3.000.000.
Nợ TK 3331: 300.000.
Có TK 131: 3.300.000.
Ghi nhận doanh thu
Nợ TK 131: 11.000.000.
Có TK 511: 5 x 2.000.000 = 10.000.000.
Có TK 3331: 1.000.000
Công ty A có thể tách ra thành 2 bút toán
Nợ TK 156: 10.000.000.
Nợ TK 1331: 1.000.000.
Có TK 331: 11.000.000.
Ghi nhận khoản chiết khấu thương mại
Nợ TK 331: 3.300.000
Có TK 1331: 300.000.
Có TK 156: 3.000.000.
Hoặc hạch toán chung:
Nợ 156: 7.000.000.
Nợ 1331: 700.000.
Có 331: 7.700.000
c. Trường hợp số tiền chiết khấu thương mại được lập khi chương trình khuyến mại kết thúc thì kế toán lập hoá đơn điều chỉnh kèm theo bảng kê các hoá đơn cần điều chỉnh bao gồm số tiền và tiền thuế GTGT được điều chỉnh.
Bên bán
Phản ánh chiết khấu thương mại phát sinh:
Nợ TK 521: Chiết khấu thương mại
Nợ TK 3331: Thuế GTGT được khấu trừ.
Có TK 111,112,131
Cuối kỳ, kết chuyển phần chiết khấu thương mại đã được chấp nhận phát sinh trong kỳ sang tài khoản 511-Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Nợ TK 511
Có TK 521
Bên mua: Sau khi nhận được chiết khấu thương mại, kế toán căn cứ vào tình hình hàng hóa trong kho để phân bổ chiết khấu. Nếu hàng còn trong kho thì ghi giảm hàng tồn kho còn nếu đã tiêu thụ, kế toán ghi giảm giá vốn hàng bán.
Nợ TK 111, 112, 131 : Chiết khấu thương mại được nhận
Có TK 156, 632: Giá được giảm.
Có TK 1331: Giảm thuế GTGT được khấu trừ.
Doanh nghiệp kê khai theo phương pháp theo phương pháp trực tiếp
Ghi nhận chiết khấu thương mại
Nợ TK 521: Chiết khấu thương mại (nếu theo thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính)
Nợ TK 511: (nếu theo thông tư 133/2016/TT-BTC)
Có TK 131: Phải thu của khách hàng
Ghi nhận doanh thu bán hàng:
Nợ TK 131: Phải thu của khách hàng
Có TK 511: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Xem thêm: Cách hạch toán chiết khấu thanh toán
Trên đây là các bước để hạch toán chiết khấu thương mại. Mong rằng bài viết này của Dân Tài Chính sẽ giúp các quý độc giả có thể hiểu hơn và giúp doanh nghiệp của mình hạch toán chính xác các nghiệp vụ liên quan đến chiết khấu thương mại nhé.
The post Hạch toán chiết khấu thương mại appeared first on Dân tài chính.
source https://www.dantaichinh.com/chiet-khau-thuong-mai/
Nhận xét
Đăng nhận xét