Quản trị chi phí và giá thành
Trong quá trình quản lý và điều hành các hoạt động của doanh nghiệp, quản trị chi phí và giá thành tốt là mục tiêu mà các nhà quản trị luôn hướng tới. Điều này giúp lựa chọn được các phương án kinh doanh tối ưu, tăng cường hiệu quả quản lý kinh doanh và giúp cho doanh nghiệp đứng vững trên thị trường. Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về quản trị chi phí và giá thành trong doanh nghiệp nhé.
1. Chi phí là gì?
Trước hết để hiểu rõ bản chất của kế toán quản trị chi phí và giá thành, chúng ta cần nắm rõ khái niệm của chi phí.
Chi phí có thể là giá trị của nguồn lực đã hoặc sẽ được tiêu dùng trong quá trình thực hiện các hoạt động của đơn vị nhằm đạt được một kết quả, mục đích nào đó của doanh nghiệp hay nhà quản trị như tạo ra sản phẩm, lợi nhuận, thực hiện các chức năng quản trị như lập kế hoạch, dự toán, kiểm soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ phận hay phục vụ cho việc đánh giá và lựa chọn dự án, ra các quyết định ngắn hạn, dài hạn…Chi phí cũng có thể là lợi ích bị mất đi do lựa chọn phương án kinh doanh này thay vì chọn phương án kinh doanh khác (chi phí cơ hội).
2. Quản trị chi phí và giá thành như thế nào?
a. Nhận diện và phân loại chi phí
Để có được các thông tin có giá trị làm cơ sở cho việc lập báo cáo sử dụng cho mục đích quản trị cũng như thuận tiện cho việc quản lý thì chi phí trong doanh nghiệp phải được phân loại một cách rõ ràng. Tùy theo yêu cầu của báo cáo quản trị mà các nhà quản lý có thể phân loại theo các tiêu chí như sau
Phân loại chi phí theo chức năng hoạt động
Mục đích của phân loại chi phí theo chức năng hoạt động là là nhằm xác định rõ ràng vai trò của chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cung cấp thông tin cho việc lập dự toán chi phí theo từng bộ phận chức năng phụ trách từng hoạt động, là cơ sở để xác định giá thành sản phẩm và lập các báo cáo.
Chi phí sản xuất: là toàn bộ các chi phí liên quan đến việc chế tạo sản phẩm hoặc dịch vụ trong một kỳ nhất định. Đối với doanh nghiệp, chi phí được chia làm 3 khoản mục: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (NVLTT), chi phí nhân công trực tiếp (NCTT), chi phí sản xuất chung (SXC).
Chi phí ngoài sản xuất: là những chi phí được phát sinh trong quá trình kinh doanh tiêu thụ sản phẩm và quản lý chung toàn doanh nghiệp, bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp…
Phân loại chi phí theo khả năng quy nạp chi phí vào các đối tượng tập hợp chi phí
Chi phí trực tiếp: là những chi phí có liên quan trực tiếp đến từng đối tượng trong kế toán tập hợp như từng loại sản phẩm, công việc, hoạt động, đơn đặt hàng…Ví dụ phần lớn các chi phí NVLTT, chi phí NCTT là chi phí trực tiếp và có thể được quy nạp trực tiếp cho từng đối tượng chịu phí.
Chi phí gián tiếp: là các chi phí có liên quan đến nhiều đối tượng kế toán tập hợp chi phí khác nhau nên không thể quy nạp trực tiếp vào từng đối tượng tập hợp chi phí được mà phải tập hợp theo từng nơi phát sinh chi phí, sau đó quy nạp cho từng đối tượng theo cách thức phân bổ gián tiếp.
Trong quản trị chi phí, nếu chi phí trực tiếp chiếm đa số trong tổng số chi phí thì sẽ thuận lợi cho việc kiểm soát, quản trị chi phí và giá thành và đưa ra các quyết định kinh doanh.
Phân loại chi phí theo mối quan hệ giữa chi phí và mức độ hoạt động
Chi phí khả biến (biến phí): là những chi phí thay đổi về tổng số khi có sự thay đổi mức hoạt động của doanh nghiệp. Mức độ hoạt động có thể là số lượng sản phẩm sản xuất, tiêu thụ; số giờ máy hoạt động… Ví dụ, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp là chi phí biến đổi vì nếu sản xuất càng nhiều sản phẩm thì cần nhiều nguyên vật liệu hơn.
Chi phí cố định (định phí): là những chi phí mà tổng số không thay đổi khi có sự thay đổi về mức độ hoạt động. Tuy nhiên, khi tính cho một đơn vị hoạt động, thì định phí sẽ thay đổi. Ví dụ, chi phí thuê nhà kho là chi phí cố định vì khi doanh nghiệp sản xuất ở mức độ nào thậm chí không sản xuất thì doanh nghiệp vẫn mất một khoản tiền thuê không đổi mỗi tháng.
Việc phân biệt định phí và biến phí có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng mô hình chi phí trong mối quan hệ giữa chi phí, khối lượng và lợi nhuận, xác định điểm hòa vốn.
Phân loại chi phí theo mối quan hệ với các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh
Chi phí sản phẩm: là những khoản chi phí gắn liền với quá trình sản xuất hoặc mua sản phẩm. Khi sản phẩm chưa được bán ra thì chi phí sản phẩm là giá vốn hàng tồn kho, ghi nhận ở các chỉ tiêu Hàng tồn kho trong Bảng cân đối kế toán (BCĐKT). Khi sản phẩm đã được bán ra, chi phí sản phẩm là giá vốn hàng bán được ghi nhận ở chỉ tiêu Giá vốn hàng bán trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (BCKQHĐKD).
Chi phí thời kỳ: là các chi phí cho hoạt động kinh doanh trong kỳ, bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp (ngoài ra còn có một bộ phận chi phí sản xuất được coi là chi phí thời kỳ như định phí sản xuất không được tính hết hoặc tính một phần vào giá thành sản phẩm). Chi phí thời kỳ được ghi nhận ở các chỉ tiêu trên BCKQHĐKD.
Cách phân loại này cho thấy mối quan hệ giữa luồng vận động của chi phí từ quá trình sản xuất đến khi tiêu thụ từ đó ảnh hưởng đến việc thiết lập các chỉ tiêu tương ứng trên BCĐKT và BCKQHĐKD. Từ đó giúp nhà quản trị có thể tìm ra các giải pháp quản lý cho chi phí như: khi nào thì thu hồi được vốn, khả năng ảnh hướng tới lợi nhuận trong kỳ như thế nào ?…
b. Lập định mức và dự toán chi phí
Để đánh giá hiệu quả kiểm soát chi phí, các doanh nghiệp phải tiến hành xây dựng dự toán một cách linh hoạt.
Dự toán trong kế toán quản trị chi phí bao gồm: lập kế hoạch phân bổ các nguồn lực một cách có hiệu quả, tăng tính phối hợp giữa các đơn vị, dự toán chi phí nhân công trực tiếp, dự toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, dự toán chi phí sản xuất chung, dự toán chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp…
Các loại định mức chi phí trong doanh nghiệp bao gồm:
- Định mức lý tưởng: là định mức chỉ có thể có được trong những điều kiện hoàn hảo nhất. Định mức này không không cho phép bất kỳ sự hư hỏng nào của máy móc hoặc một sự gián đoạn sản xuất xảy ra.
- Định mức thực tế: là những định mức được xây dựng có hệ thống và chặt chẽ nhưng vẫn có khả năng đạt được. Chúng cho phép có thời gian gián đoạn máy móc hợp lý, thời gian nghỉ ngơi của nhân công.
Phương pháp xây dựng định mức:
Chi phí NVLTT theo định mức = Định mức tiêu hao về giá của NVLTT x Định mức tiêu hao về lượng của NVLTT
Chi phí NCTT theo định mức = Định mức tiêu hao về mặt thời gian của NCTT x Định mức tiêu hao về giá của NCTT
Chi phí SXC theo định mức = Đơn giá của định mức chi phí SXC phân bổ x Đơn vị tiêu chuẩn phân bổ.
c. Phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ.
Để tính được giá thành sản phẩm thì phải đánh giá được chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (Dck). Có hai phương pháp đánh giá
Phương pháp đánh giá theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp hoặc chi phí vật liệu chính trực tiếp: chỉ tính cho sản phẩm dở phần đánh chi phí nguyên vật liệu trực tiếp hoặc vật liệu chính trực tiếp, các chi phí sản xuất khác được tính hết cho sản phẩm hoàn thành trong kỳ, được áp dụng cho các doanh nghiệp có chi phí nguyên vật liệu trực tiếp hoặc nguyên vật liệu chính trực tiếp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất.
Phương pháp đánh giá theo khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương: tính cho sản phẩm dở dang cuối kỳ cả chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp và các chi phí sản xuất khác, khối lượng sản phẩm dở dang cuối kỳ được quy đổi thành khối lượng tương đương theo mức độ chế biến hoàn thành của sản phẩm dở dang. Phương pháp này có độ chính xác và hợp lý cao hơn so với phương pháp trên nhưng việc tính toán phức tạp hơn đồng thời việc đánh giá mức độ chế biến hoàn thành của sản phẩm dở dang trên các công đoạn của dây chuyền sản xuất khá phức tạp và mang nặng yếu tố chủ quan.
d. Phương pháp tính giá thành sản phẩm
Cách tính giá thành theo hệ số
Giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn = tổng giá thành của tất cả sản phẩm / tổng sản phẩm đạt được trong kỳ
Số sản phẩm tiêu chuẩn đơn vị = số sản phẩm từng loại thực tế x hệ số tính giá thành sản phẩm
=> Tổng giá thành sản xuất sản phẩm = số sản phẩm tiêu chuẩn đơn vị x giá thành đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn.
Phương pháp tính này được áp dụng trong trường hợp cùng một quy trình công nghệ sản xuất, sử dụng một loại nguyên vật liệu chính nhưng kết quả thu được nhiều loại sản phẩm khác nhau.
Cách tính giá thành theo định mức
Tổng giá thành sản xuất sản phẩm = số sản phẩm tiêu chuẩn x giá thành 1 đơn vị sản phẩm tiêu chuẩn.
Giá thành tiêu chuẩn = Giá thành sản phẩm kế hoạch x giá thành sản phẩm tỷ lệ
Cách tính này được sử dụng cho các doanh nghiệp có quá trình sản xuất nhiều loại sản phẩm nhưng có quy cách và phẩm chất khác nhau. Cần tổ chức hạch toán chi tiết các chi phí sản xuất thực tế để phù hợp với định mức và số chi phí sản xuất chênh lệch do thoát ly định mức.
Cách tính giá thành loại trừ chi phí sản xuất cho các sản phẩm phụ
Tổng giá thành sản phẩm chính = sản phẩm dở dang đầu kỳ + chi phí sản xuất trong kỳ – chi phí sản xuất các sản phẩm phụ – sản phẩm dở dang cuối kỳ.
Đây là cách tính dành cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất thu được những sản phẩm chính theo yêu cầu thì ngoài ra còn có những sản phẩm phụ dư thừa. Cụ thể như các doanh nghiệp chế biến dầu thô, sản xuất chế biến gỗ …
e. Hệ thống báo cáo kế toán quản trị chi phí và giá thành
Báo cáo để lập kế hoạch và định hướng hoạt động: Là hệ thống báo cáo quản trị nhằm cung cấp những thông tin hữu ích về tình hình của doanh nghiệp như: thông tin quá khứ, định mức, dự toán, các phương án kinh doanh … giúp cho việc thành lập kế hoạch và định hướng các mục tiêu cho từng hoạt động cụ thể của doanh nghiệp.
Báo cáo quản trị phục vụ cho việc ra quyết định: Là hệ thống báo cáo quản trị nhằm cung cấp các thông tin cho nhà quản trị các cấp để các từ đó đưa ra các lựa chọn đầu tư phù hợp.
Mong rằng bài viết này đã giúp quý độc giả có cái nhìn rõ hơn về quản trị chi phí và giá thành từ đó áp dụng một cách hiệu quả đối với doanh nghiệp của mình. Hãy theo dõi Dân Tài Chính thường xuyên để không bỏ lỡ bất cứ bài viết bổ ích nào nhé.
The post Quản trị chi phí và giá thành appeared first on Dân tài chính.
source https://www.dantaichinh.com/quan-tri-chi-phi-va-gia-thanh/
Nhận xét
Đăng nhận xét