9 việc cần chuẩn bị khi thành lập công ty

Thành lập công ty là một quyết định vô cùng quan trọng và không hề đơn giản. Ngoài ý tưởng kinh doanh và các thủ tục, giấy tờ theo quy định của pháp luật thì bạn cần chuẩn bị những gì để quá trình thành lập công ty có thể diễn ra thuận lợi nhất? Dưới đây là 9 việc cần chuẩn bị khi thành lập công ty mà bạn nên lưu ý.

9 việc cần chuẩn bị khi thành lập công ty

Đối tượng / chủ thể kinh doanh

Chủ thể thành lập doanh nghiệp phải là người có CMND/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không phải những đối tượng không được phép thành lập doanh nghiệp. 

Thành viên góp vốn 

Đây là vấn đề khá quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến loại hình và sự tồn tại, phát triển thành công của doanh nghiệp. Việc lựa chọn thành viên góp vốn khi thành lập doanh nghiệp do người đứng đầu doanh nghiệp quyết định, tuy nhiên số lượng thành viên góp vốn sẽ do loại hình doanh nghiệp quy định.

Loại hình doanh nghiệp

Hiện nay có 5 loại hình doanh nghiệp phổ biến là

  • Công ty TNHH một thành viên: do một cá nhân hoặc tổ chức làm chủ sở hữu, chịu trách nhiệm.
  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên: số lượng thành viên góp vốn từ 2 đến không quá 50
  • Công ty cổ phần: có tối thiểu 3 cổ đông sáng lập và không giới hạn số lượng tối đa.
  • Công ty hợp danh: có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu, cùng nhau kinh doanh. Ngoài thành viên hợp danh có thể bao gồm cả thành viên góp vốn.
  • Doanh nghiệp tư nhân: chủ doanh nghiệp là một cá nhân, chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản của mình với hoạt động của doanh nghiệp, không được góp vốn hay mua cổ phần của các loại hình doanh nghiệp khác. 

Tùy vào số lượng thành viên tham gia góp vốn thành lập và nhu cầu kinh doanh của từng doanh nghiệp mà các chủ thể thành lập doanh nghiệp có thể bàn bạc và lựa chọn loại hình phù hợp để quản lý doanh nghiệp dễ dàng hơn. Tuy nhiên các loại hình doanh nghiệp có thể chuyển đổi qua lại sau khi thành lập nên nếu cần thiết bạn có thể chuyển đổi hình thức doanh nghiệp cho phù hợp.

Những điều cần chuẩn bị khi thành lập doanh nghiệp

Tên doanh nghiệp

Tốt nhất khi thành lập doanh nghiệp bạn nên đặt tên sao cho ngắn gọn dễ đọc, dễ nhớ và không bị trùng lặp, nhầm lẫn với tên của các công ty đã thành lập trước đó hoặc các đơn vị, cơ quan nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó cũng không được sử dụng những từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Hiện nay số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều, do đó nếu muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp, bạn cần tham khảo tên của các doanh nghiệp tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để tránh đặt trùng tên.

Tên công ty bao gồm 2 yếu tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng

Ví dụ 

Công ty TNHH Đại lý thuế DTC

Công ty cổ phần Thành Nam

Tên doanh nghiệp được gắn biển tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện,…và được in trên các hồ sơ giấy tờ giao dịch, tài liệu của doanh nghiệp.

Ngành nghề kinh doanh

Theo quy định, doanh nghiệp được phép kinh doanh bất cứ ngành nghề nào pháp luật không cấm và cần phải tránh những ngành thuộc danh mục bị cấm kinh doanh, không được phép sản xuất,..

Doanh nghiệp cần phải lưu ý rằng chỉ được phép xuất hóa đơn cho những ngành nghề kinh doanh đã được đăng ký với cơ quan cấp giấy phép kinh doanh. Nếu có thay đổi về ngành nghề kinh doanh phải làm thủ tục thông báo cho Sở kế hoạch đầu tư tại địa phương trong vòng 10 ngày kể từ khi thay đổi.

Do vậy trước khi thành lập doanh nghiệp nên dự liệu những ngành nghề kinh doanh trong tương lai để đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, tránh thực hiện nhiều thủ tục và bị xử phạt hành chính nếu không thực hiện đúng.

Bạn có thể tra cứu

Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam của Thủ tướng chính phủ tại đây.

Những điều cần chuẩn bị khi thành lập doanh nghiệp

Địa điểm/trụ sở kinh doanh

Địa điểm kinh doanh nơi liên lạc, giao dịch của công ty bạn ở lãnh thổ Việt Nam, được xác định theo 

Số nhà, tên đường, tên xã/ phường/ thị trấn, tên quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương.

Khi thành lập doanh nghiệp bắt buộc phải có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Nếu nơi dự định làm trụ sở chưa có số nhà hoặc tên đường thì phải có xác nhận của địa phương và nộp kèm theo hồ sơ đăng ký kinh doanh cho cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt, cần lưu ý không được đặt trụ sở của doanh nghiệp tại nhà tập thể hoặc chung cư. Nếu dự định thuê văn phòng tại tòa nhà/ chung cư thì trước khi ký hợp đồng thuê nhà cần kiểm tra xem tại đó có chức năng thương mại hay làm văn phòng hay không. 

Vốn điều lệ khi thành lập công ty

Vốn điều lệ là số vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp do các thành viên hoặc cổ đông góp vốn hoặc cam kết góp vốn trong vòng 90 ngày, được ghi nhận vào điều lệ của công ty. Nếu quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà chưa góp đủ vốn, doanh nghiệp phải đăng ký sửa đổi vốn điều lệ.

Pháp luật không quy định số vốn góp tối thiểu hoặc tối đa, doanh nghiệp tự đăng ký và không cần chứng minh nguồn gốc của số vốn này. Tuy nhiên vốn điều lệ là cơ sở để doanh nghiệp nộp thuế môn bài hằng năm và thể hiện cam kết trách nhiệm bằng tài sản đối với đối tác, khách hàng. 

Vì vậy nếu số vốn quá thấp sẽ làm giảm uy tín của doanh nghiệp, còn nếu mức vốn quá cao sẽ tạo được uy tín, tin tưởng tuy nhiên nguy cơ rủi ro cũng sẽ tăng lên. Do vậy phụ thuộc vào đặc điểm, quy mô kinh doanh và khả năng tài chính cho phép mà doanh nghiệp có thể đăng ký mức vốn điều lệ phù hợp khi thành lập doanh nghiệp.

Những điều cần chuẩn bị khi thành lập doanh nghiệp

Người đại diện

Người đại diện theo pháp luật là người chịu trách nhiệm trong hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp, ký kết giấy tờ, hợp đồng giao dịch,..

Người đại diện của doanh nghiệp có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài nhưng phải thường trú tại Việt Nam, nếu vắng mặt quá 30 ngày phải ủy quyền cho người khác bằng văn bản. Điều lệ công ty quy định chức danh, số lượng, quyền hạn và nghĩa vụ của người đại diện.

Người đại diện phải là cá nhân từ đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm. Người đại diện theo pháp luật không nhất thiết phải là người trong công ty mà có thể được thuê ngoài, yêu cầu bắt buộc là có hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm.

Con dấu

Khác biệt lớn nhất năm 2021 là con dấu của khi thành lập doanh nghiệp không cần phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp được phép tự quản lý con dấu. ĐIều lệ hoặc quy chế của doanh nghiệp quy định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung con dấu.

Ngoài những điều kiện trên, bạn cần chuẩn bị một ý tưởng kinh doanh rõ ràng về tài chính, nhân sự, kế hoạch phát triển thị trường trước khi thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần tìm hiểu các đối thủ cùng ngành, danh sách khách hàng tiềm năng để có thể có được một kết quả kinh doanh tốt nhất. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận dưới đây để được Dân Tài Chính hỗ trợ một cách nhanh chóng nhất nhé.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

The post 9 việc cần chuẩn bị khi thành lập công ty appeared first on Dân tài chính.



source https://www.dantaichinh.com/9-viec-can-chuan-bi-khi-thanh-lap-cong-ty

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách lập bảng cân đối kế toán

Thông tư 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 về TSCĐ

Hướng dẫn cài đặt Esigner 1.0.9 mới nhất 2023