Kê khai và đóng thuế thu nhập từ Youtube Google và Facebook

Nhờ tính năng kiếm tiền bằng cách chia sẻ doanh thu, Youtube, Google, Facebook….trở thành nền tảng kiếm tiền trực tuyến và làm giàu cho rất nhiều cá nhân và tổ chức trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Rất nhiều Blogger, Youtuber tại Việt Nam như GĐĐĐ, TPHN…có mức thu nhập vô cùng cao nhưng chưa thực hiện kê khai và đóng thuế đầy đủ. Trong bài viết hôm nay mình sẽ trình bày những quy định về thuế liên quan đến thu nhập từ Google Adsense và Facebook và cách kê khai và nộp thuế như thế nào.

Kê khai và nộp thuế thu nhập từ Youtube Google và Facebook
Cá nhân/HKD phải kê khai và nộp thuế thu nhập từ Youtube Google và Facebook nếu doanh thu từ 100tr/năm

1. Thu nhập từ Youtube, Google và Facebook có phải đóng thuế không?

Khoảng 2 năm trở lại đây, hàng loạt các nhà bán hàng trên Facebook, các Youtuber (Google Adsense hosted), các Blogger (Google Adsense content)…bị cơ quan thuế truy thu và phạt thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng. Điển hình có cá nhân bị truy thu và phạt chậm nộp thuế tổng cộng 9,1 tỷ đồng.

Vậy mức thu nhập bao nhiêu thì phải kê khai và nộp thuế & phải nộp những loại thuế nào?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh bao gồm cả một số trường hợp sau:

  • Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
  • Làm đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
  • Hợp tác kinh doanh với tổ chức.
  • Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng điều kiện được miễn thuế.

Do đó: Người có thu nhập từ Youtube, Facebook, Google Adsense…thuộc trường hợp kinh doanh phải chịu thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng. Nên các cá nhân phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng đối với khoản thu nhập từ các nền tảng kiếm tiền trực tuyến này theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC có quy định:

“Người nộp thuế nêu tại khoản 1 Điều này không bao gồm cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.”

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng nếu doanh thu từ hoạt động kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.

Do đó: Các cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, Youtube…dưới 100 triệu/năm thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng. Chỉ khi nào, thu nhập phát sinh từ các nền tảng này có foanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì bạn mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.

2. Thuế suất thu nhập từ Youtube, Google và Facebook

Cũng theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC, những cá nhân kinh doanh Youtube, Google và Facebook sẽ phải nộp 02 loại thuế như sau:

  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT)
  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Hai loại thuế này có cùng một công thức tính rất đơn giản, đó là:

Thuế phải nộp = [Doanh thu tính thuế] x [Tỷ lệ thu thuế]

Doanh thu tính thuế: chính là số tiền mà Youtube trả cho bạn nếu bạn không trong network hoặc là tiền mà network trả cho bạn sau khi đã trừ đi phần của họ.

Tỷ lệ thu thuế: là tỷ lệ % căn cứ theo ngành, nghề kinh doanh. Trong trường hợp thu nhập từ Youtube thì tỉ lệ thu thuế lần lượt là 5% thuế GTGT2% thuế TNCN.

Tổng hợp lại thì có thể nói chung là Youtuber, Blogger, kinh doanh trên Facebook…sẽ phải nộp thuế số tiền bằng 7% doanh thu của mình.

Ví dụ: Quay lại với ví dụ của chúng ta là kênh Youtube GĐĐĐ thì theo như đồn đoán, kênh này có thu nhập lên tới 15.000 USD/tháng. Dù đây mới chỉ dừng lại ở tin đồn chứ không thực tế do kênh chưa được bật kiếm tiền nhưng chúng ta hãy cứ ví dụ là GĐĐĐ thu được 15.000 USD/tháng thật thì sẽ phải đóng thuế bao nhiêu nhé?

Đầu tiên, phải tính doanh thu tính thuế 15.000 đô đổi sang tiền Việt Nam đồng sẽ tương đương khoảng 352 triệu đồng, như vậy ước tính doanh thu trong một năm sẽ là 4.224 triệu động.

Sau đó, ta nhân doanh thu tính thuế này với 5% thì sẽ được thuế GTGT phải đóng là: 211 triệu đồng

Và nhân với 2% sẽ ra thuế thu nhập cá nhân là: 84 triệu đồng

Nhưng vậy nếu cón số 15.000 USD trở thành hiện thực thì GĐĐĐ sẽ phải đóng thuế 295 triệu đồng trong một năm.

Cá nhân sử dụng tờ khai thuế mẫu 01/CNKD (mẫu ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TTBTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính) để kê khai thuế theo hình thức Hộ kinh doanh tại chi cục Thuế ở nơi bạn cư trú hoặc tạm trú để kê khai đóng thuế.

Xem thêm: Thuế GTGT TNCN hộ kinh doanh

3. Khấu trừ chi phí đầu tư khi làm Youtube, Google, Facebook

Theo quy định thuế hiện tại, việc khấu trừ chi phí chỉ áp dụng cho doanh nghiệp. Trường hợp cá nhân kinh doanh thì thuế phải nộp được tính theo doanh thu chứ không phải là lợi nhuận. Tức là bạn sẽ không được khấu trừ nhưng chi phí mà các bạn đã bỏ ra phục vụ hoạt động sản xuất hay quảng bá video của mình. Ví dụ như tiền mua máy quay, máy ghi âm, đèn, điện thoại, máy vi tính hay laptop… sẽ không được khấu trừ khi tính thuế.

Do đó, đối với những kênh lớn có chi phí đầu tư nhiều, có đội ngũ thực hiện chuyên nghiệp và tốn kém nhiều chi phí thì nên thành lập công ty để được khấu trừ những khoảng chi này. Qua đó giúp bạn quản lý tốt thu nhập của mình hơn, có được mức đóng thuế chính xác và hiệu quả hơn, phù hợp với thực tế hơn.

4. Không kê khai và đóng thuế thu nhập từ Google, Youtube, Facebook có bị phạt không?

Theo Nghị định 126/2020 có hiệu lực từ ngày 5-12-2020, các ngân hàng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng khi được ngành thuế yêu cầu nên những cá nhân có thu nhập cao qua tài khoản ngân hàng có thể sẽ bị thuế nắm thông tin và tiến hành truy thu thuế.

Trường hợp bạn không kê khai, đóng thuế theo quy định thì tùy vào hành vi và mức độ có thể bị xử phạt hành chính, tức phạt tiền cho hành vi chậm kê khai và nộp thuế, thậm chí có thể bị xử lý hình sự là phạt tù nếu bị quy vào tội trốn thuế, gian lận thuế.

Căn cứ theo Điều 59 Luật số 38/2019/QH14 Luật quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, cụ thể như sau:

1. Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp như sau:

a) Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;
Số tiền phạt chậm nộp = Số tiền thuế chậm nộp X 0,03% X Số ngày chậm nộp

b) Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 2 bên dưới đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.

2. Các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp bao gồm:

a) Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế;
b) Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra thuế phát hiện khai thiếu số tiền thuế phải nộp thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế phải nộp tăng thêm kể từ ngày kế tiếp ngày cuối cùng thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế có sai, sót hoặc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;
c) Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện số tiền thuế được hoàn nhỏ hơn số tiền thuế đã hoàn thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế đã hoàn trả phải thu hồi kể từ ngày nhận được tiền hoàn trả từ ngân sách nhà nước;
d) Trường hợp được nộp dần tiền thuế nợ quy định tại khoản 5 Điều 124 của Luật này;
đ) Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế do hết thời hiệu xử phạt nhưng bị truy thu số tiền thuế thiếu quy định tại khoản 3 Điều 137 của Luật này;
e) Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 142 của Luật này;
g) Cơ quan, tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế chậm chuyển tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chậm chuyển theo quy định.

Để đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ thuế cũng như giảm mức phạt hành chính về thuế, tránh trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Người nộp thuế nên chủ động tiến hành khai và nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp theo quy định pháp luật trước khi cơ quan quản lý thuế ra quyết định xử lý vi phạm.

Trên đây là những chia sẻ của Dân Tài Chính về vấn đề kê khai và nộp thuế dành cho các cá nhân có thu nhập trực tuyến từ Google, Facebook hay Youtube…Hy vọng sẽ giúp bạn kê khai và nộp thuế cho nhà nước đúng hạn, tránh bị phạt chậm nộp

PS: Lưu ý, vì lý do bảo mật thông tin, tên kênh Youtube và số liệu kênh ví dụ trong bài chỉ nhằm mục đính hướng dẫn cách tính thuế, đây không phải là tên thật và số liệu thật của kênh.

4.9/5 - (19 bình chọn)

Originally posted 2021-01-01 12:06:00.

The post Kê khai và đóng thuế thu nhập từ Youtube Google và Facebook appeared first on Dân tài chính.



source https://www.dantaichinh.com/thu-nhap-tu-youtube-google-va-facebook

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách lập bảng cân đối kế toán

Thông tư 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 về TSCĐ

Hướng dẫn cài đặt Esigner 1.0.9 mới nhất 2023